Tại Đức có 2 loại hình đào tạo Đại học khác nhau quan trọng: Universitọt (Universität, Technische Universität) và Fachhochschule (FH). Các trường Đại học Tổng hợp (Uni), Tổng hợp Kỹ thuật (TU) và Đại học Khoa học ứng dụng (FH) đều “đồng giá trị”, nhưng “khác hình thức”:
I. Cao đẳng chuyên ngành (Fachhochschule)
FH là đại học khoa học ứng dụng, tiếng Anh là University of Applied Sciences, với trọng tâm chuyển hóa các kết quả nghiên cứu khoa học thành các giải pháp ứng dụng cho cuộc sống. Sinh viên học FH không quá đào sâu vào lý thuyết mà được chuẩn bị nhiều hơn để làm việc trong những lĩnh vực cụ thể.
Tuy nhiên học FH vẫn là học Đại học (Studium), khác với học nghề (Ausbildung). Đi học nghề là học một nghề cụ thể, học song song 50% thời gian ở trường nghề (Fachschule) và 50% thời gian là trực tiếp làm việc trong công ty, xí nghiệp. Mục đích của học nghề là học chính xác và áp dụng thuần thục những quy trình chuẩn trong nghề đó, học viên học để làm được như các thầy (Meister). Trong khi đó chương trình đào tạo ở FH hướng đến rèn luyện cho sinh viên khả năng suy nghĩ độc lập, khuyến khích tranh luận với thầy cô, đồng nghiệp hay tìm ra các giải pháp mới trong lĩnh vực chuyên môn của mình.
Điểm đặc biệt: nhiều thực hành, thời gian học ngắn
Điểm quan trọng nhất để hấp dẫn các sinh viên bây giờ là thời gian học ngắn và sát thực với nhu cầu của thực tế – hướng chuyên ngành chứ không chỉ là những lý thuyết dài dòng khô khan. Đó là điểm đặc biệt thu hút của các cao đẳng chuyên ngành. Các ngành học, các tiết học được tổ chức trong từng nhóm nhỏ, các kỳ thi và các bài học có nhiều thực tập và xoáy trực tiếp vào mục tiêu hướng nghiệp.
Tại các trường cao đẳng chuyên nghiệp ngoài việc giảnh dạy học tập dĩ nhiên bạn cũng có thể làm các công việc nghiên cứu như tại các đại học. Nhưng các nghiên cứu này cũng ưu tiên hướng đến các nhu cầu thực tiễn, các áp dụng thực tế. Đó cũng là lý do mà các ngành toàn lý thuyết chay không thể được tìm thấy tại các cao đẳng chuyên ngành. Các ngành học được mở theo nhu cầu về các nghề kỹ sư, kinh kế xí nghiệp, các lãnh vực trang trí đồ hoạ và xã hội học. Bằng tốt nghiệp tại các cao đẳng chuyên ngành là bằng kỹ sư (thực hành).
Đại đa số các cao đẳng chuyên ngành được hình thành từ các cơ quan, các trường dạy nghề cao cấp về một chuyên ngành nào đó, như các trường kỹ sư, hoặc các trường chuyên ngành kinh tế.
II. Các trường đại học (Uni)
Loại hình trường Uni hay TU. Theo đúng truyền thống của Đức thì định hướng của Uni là nghiên cứu khoa học và trang bị cho sinh viên có kiến thức toàn diện, sâu rộng, phát triển bản thân ("freier Geist"), chứ không phải là để đào tạo ra làm 1 nghề cụ thể. Vì thế muốn thành bác sỹ thì học xong Uni ngành Y phải đi học tiếp Facharzt, muốn thành Luật sư hay Giáo viên thì học xong Uni phải đi đào tạo thực tiễn (Referendariat), học Báo thì học xong Uni phải đi học tiếp ở trường viết báo hay tòa soạn (Volontariat)... Các ngành khác (Kinh tế, Kỹ thuật, Xã hội...) thì không cần chính thức phải đi học thêm ở đâu mà có thể đi xin việc ngay, tuy nhiên khi bước vào công việc thì phải tự học thêm để đáp ứng được những yêu cầu cụ thể của công việc.
Các chuyên ngành được gộp chung vào các khoa khác khác nhau như: y dược, khoa học tự nhiên, kỹ sư khoa học, khoa học nhân văn, khoa học luật pháp, thần học, khoa học kinh tế, khoa học xã hội cũng như khoa học nông lâm. Trong các khoa còn được cung cấp các ngành học chuyên môn đặc biệt, chuyên sâu vào lãnh vực lý thuyết của khoa học. Nhiều đại học trên nước Đức còn có những thư viện chuyên môn, các phòng lưu trữ riêng dành cho các chuyên ngành và hỗ trợ những trọng tâm riêng biệt.
Việc học tại đại học (Uni) được tóm gọn lại theo một điều lệ chung, đó là trong đa số các môn học sẽ được dành nhiều thời gian trống cho việc tự nghiên cứu tuỳ theo sở thích.
Sinh viên tốt nghiệp Uni thường than phiền vì họ không có định hướng cụ thể và thiếu kiến thức thực tiễn, bù lại họ có tư duy tổng hợp và tính năng động cao, có thể làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
III. Các điểm tương phản nổi bật nhất
Universitaten | Fachhochschulen | |
Số lượng | 122 | 191 |
Nhiệm vụ | Đào tạo và nghiên cứu chiếm tỉ trọng như nhau | Ưu tiên cho đào tạo, ngoài ra nghiên cứu ứng dụng, tư vấn |
Số sinh viên trung bình | 15.000 | 4.000 |
Các ngành đào tạo | Tất cả các ngành | Chủ yếu các ngành Khoa học kỹ thuật, Kinh tế quản trị, Xã hội, Tạo mẫu |
Thời gian đào tạo | 4-6 năm | Thường 4 năm, trong đó 0,5-1 năm thực tập |
Đặc điểm đào tạo | Nặng về lý thuyết, tự chọn các môn trọng tâm, luận văn tốt nghiệp mang tính nghiên cứu | Thiết thực hơn, chia theo năm học, xen kẽ các khóa thực tập, kiểm tra định kỳ, luận văn tốt nghiệp về các chủ đề thực tiễn. |
Bằng cấp | Diplom, Magister, Staatsexamen Bachelor, Master | Diplom (FH) Bachelor, Master |
Nghiên cứu sinh | Được | Không (ngoại trừ nếu thông qua Universitat) |
Điều kiện để được giảng dạy | Tiến sĩ khoa học hay những thành tích khoa học tương tự | Tiến sĩ và 5 năm kinh nghiệm với thành tích xuất sắc |
Thời gian giảng dạy trung bình của giảng viên | 6-8 tiếng/tuần | 14-18 tiếng/tuần |
Nghiên cứu | Nhiệm vụ được chia đều giữa trường ĐH và các giáo sư, ưu tiên nghiên cứu cơ bản | So với giảng dạy, nhiệm vụ nghiên cứu không cao bằng, nghiên cứu ứng dụng và tư vấn |
Tóm lại: FH dành cho những bạn muốn thực hành nhiều trong quá trình học như Logistic, Quản trị Kinh doanh. Uni dành cho những bạn muốn đào sâu về nghiên cứu như Bác sĩ hay Luật.